Skip to main content
Đăng ký

Chương trình học

Tiếng Việt

Tiếng Việt là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mỹ - nhân văn; giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; đồng thời cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc; phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha, …


Thông qua các văn bản ngôn từ và những hình tượng nghệ thuật sinh động trong các tác phẩm văn học, bằng hoạt động đọc, viết, nói và nghe, môn Tiếng Việt có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như các năng lực cốt lõi để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời.


Trong giai đoạn Tiểu học, chương trình môn Tiếng Việt được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Mục tiêu của giai đoạn này là giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học, hoạt động giáo dục khác; hình thành và phát triển năng lực văn học, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách.

Toán

Chương trình môn Toán tại trường Tiểu học Nguyễn Siêu được tích hợp giữa Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình Quốc tế Cambridge, trong đó lấy chương trình Cambridge làm gốc. Nhằm giúp giảm tải nội dung, đồng thời kế thừa, phát huy những ưu điểm của chương trình Việt Nam, chương trình môn Toán được xây dựng đảm bảo tính thống nhất và sự phát triển từ lớp 1 đến lớp 5, tích hợp nội môn xoay quanh ba mạch kiến thức Số, Đại số, Hình học và đo lường, Thống kê và sác xuất; sự nhất quán và phát triển; thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Tin học, Công nghệ, STEM, … thông qua các hoạt thực hành và trải nghiệm. Học sinh trường tiểu học Nguyễn Siêu được học tập chương trình môn Toán bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. 


Thông quá dạy học môn Toán, học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học cho học sinh; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn; tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác.

Đạo đức

Môn Đạo đức giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của một người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức môn Đạo đức góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình cảm, niềm tin, nhận thức và cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập. 


Môn học chú trọng tổ chức các hoạt động để học sinh xử lý tình huống thực tiễn, điển hình gần gũi với đời sống học sinh; coi trọng các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường trên cơ sở đó học sinh phát hiện, chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kĩ năng và thái độ tích cực.

 

Tự nhiên xã hội - Khoa học

Chương trình môn TNXH/Khoa học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên, đức tính chăm chỉ, ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống; các năng lực chung và năng lực khoa học. Môn học chú trọng khơi dậy trí tò mò khoa học, bước đầu tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn. 


Tại trường Tiểu học Nguyễn Siêu, chương trình môn TNXH/Khoa học được xây dựng tích hợp với chương trình Quốc tế Cambridge theo các chủ đề, thông qua tìm hiểu, khám phá, qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, làm việc theo nhóm nhằm bước đầu hình thành cho học sinh phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu thế giới tự nhiên, khả năng vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn. Môn học cũng chú trọng đến việc tích hợp giáo dục giá trị và kĩ năng sống phù hợp cho học sinh.

Lịch sử và Địa lý

 Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy và học ở lớp 4 và lớp 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở, đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học xã hội ở các cấp học trên. 


Môn Lịch sử và Địa lí giúp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực lịch sử và địa lí với các thành phần: nhận thức khoa học lịch sử và địa lí; tìm hiểu lịch sử và địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung. Đồng thời giúp học sinh khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. 


Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam, các nước láng giềng và một số nét cơ bản về địa lí, lịch sử thế giới. Nội dung chương trình môn Lịch sử và Địa lí còn liên quan trực tiếp với nhiều môn học và các hoạt động giáo dục khác như: Đạo đức, Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm, ...

 

Công nghệ

Trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, giáo dục công nghệ được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 5 thông qua môn Tin học và Công nghệ. 


Giáo dục công nghệ ở cấp tiểu học bước đầu hình thành và phát triển ở học sinh năng lực công nghệ trên cơ sở các mạch nội dung về công nghệ và đời sống, thủ công kĩ thuật; khơi dậy hứng thú học tập và tìm hiểu công nghệ. Kết thúc tiểu học, học sinh sử dụng được một số sản phẩm công nghệ thông dụng trong gia đình đúng cách, an toàn; thiết kế được sản phẩm thủ công kĩ thuật đơn giản; trao đổi được một số thông tin đơn giản về các sản phẩm công nghệ trong phạm vi gia đình, nhà trường; nhận xét được ở mức độ đơn giản về sản phẩm công nghệ thường gặp; nhận biết được vai trò của công nghệ đối với đời sống trong gia đình, ở nhà trường. Môn Công nghệ có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác, đặc biệt là với Toán học và Khoa học. Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM – một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt được chú trọng ở trường Tiểu học Nguyễn Siêu.

Tin học

Chương trình môn Tin học trang bị cho học sinh hệ thống kiến thức tin học thông qua sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập và sử dụng thiết bị tin học tuân theo nguyên tắc giữ gìn sức khỏe, bước đầu hình thành tư duy giải quyết tình huống, yêu cầu trong thực tế học tập và cuộc sống có sự hỗ trợ của máy tính.  


Chương trình được xây dựng và triển khai cho học sinh từ khối 2 đến khối 5. Với cơ sở vật chất phòng học tin học được trang bị đầy đủ máy móc, đảm bảo 100% học sinh được thực hành trên máy tính. 


Cùng với việc tổ chức hiệu quả dạy học Tin học cho học sinh theo quy định trong chương trình, nhà trường tăng cường các hoạt động giáo dục tin học, hoạt động giáo dục STEM tiếp cận công nghệ số như cuộc thi Tìm kiếm lập trình viên nhỏ tuổi; Sáng tạo và lập trình Robot, triển khai dạy học Robotics trong chương trình chính khóa, … nhằm góp phần phát triển năng lực tin học và đáp ứng sở thích, nuôi dưỡng đam mê khoa học, công nghệ cho học sinh tiểu học.

Âm nhạc

Ở trường Tiểu học, giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc – biểu hiện của năng lực thẩm mĩ, góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục của giáo viên, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần. 


Chương trình môn Âm nhạc giúp học sinh bước đầu làm quen với kiến thức âm nhạc phổ thông, sự đa dạng của thế giới âm nhạc và các giá trị âm nhạc truyền thống; hình thành một số kĩ năng âm nhạc ban đầu; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, hứng thú tham gia các hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi; góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung. 

Mĩ thuật

Mĩ thuật là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Mĩ thuật hình thành, phát triển ở học sinh năng lực mĩ thuật, biểu hiện của năng lực thẩm mĩ trong lĩnh vực mĩ thuật; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là giáo dục ý thức kế thừa, phát huy văn hoá nghệ thuật dân tộc phù hợp với sự phát triển của thời đại.


Chương trình môn học tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.


Môn Mĩ thuật giúp học sinh bước đầu hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật thông qua các hoạt động trải nghiệm; biết thể hiện cảm xúc, trí tưởng tượng về thế giới xung quanh, từ đó hình thành năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; bước đầu làm quen, tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật, hình thành năng lực tự chủ và tự học; góp phần hình thành các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Giáo dục thể chất

Môn Giáo dục thể chất có vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất và sức khỏe của các con học sinh. Mục tiêu của môn học là giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, bước đầu hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, thói quen tập luyện thể dục thể thao, tham gia tích cực các hoạt động thể dục, thể thao nhằm phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện và phát hiện năng khiếu thể thao. 


Với đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho môn học sẽ mang đến cho các con những cơ hội tốt nhất để thử sức với các môn thể thao tự chọn và tận hưởng các hoạt động thể chất cùng bạn bè.

Hoạt động trải nghiệm

Chương trình hoạt động trải nghiệm được xây dựng một cách có bài bản xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh. Chương trình bao gồm những nội dung kiến thức cốt lõi của môn học kết hợp với những hoạt động trải nghiệm liên môn, nhằm hướng tới rèn kĩ năng mềm, phát triển kĩ năng sống cho học sinh. Chương trình hoạt động trải nghiệm với những mạch nội dung: hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp. Học sinh được tiếp cận thực tế, tổng hợp kiến thức, kĩ năng các môn học khác nhau với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với mục tiêu và lứa tuổi. Học sinh được tạo cơ hội phát triển năng lực bản thân và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.